Trong buổi webinar về lĩnh vực xanh tối ngày 19/2 vừa qua, các thí sinh tiếp tục được lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, chia sẻ về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam – một chủ đề quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Ông cho biết thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” thường được sử dụng để mô tả quy luật hay quá trình lặp lại của các giai đoạn trong kinh tế của một quốc gia hoặc toàn cầu. Mô hình kinh tế tuần hoàn thường bao gồm các giai đoạn như suy thoái kinh tế, phục hồi, phát triển, đạt đến đỉnh điểm và sau đó lại suy thoái. Việc hiểu rõ về kinh tế tuần hoàn giúp các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội,… có cái nhìn tổng thể hơn về tình hình kinh tế và đưa ra quyết định phù hợp.
Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận giúp giải quyết bài toán phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Mô hình hướng đến sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, môi trường và xã hội, từ đó dẫn đến mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích như: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn tài nguyên và gia tăng giá trị kinh tế – xã hội.
PGS.TS. Quân cũng đưa ra những ví dụ áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo,…, như nuôi tôm trong ruộng lúa giúp bảo vệ nguồn nước và tăng chất lượng sản phẩm, hoặc nông nghiệp tích lũy tín chỉ carbon và nâng cao đời sống người dân với sản phẩm sạch.
“Kinh tế tuần hoàn là chìa khóa để hướng đến mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Để đạt được tới mục tiêu này, ông tin rằng sự chung tay của thế hệ trẻ sẽ quan trọng hơn bao giờ hết!”, PGS.TS. Quân nhấn mạnh.
PGS.TS. Quân tin rằng những mục tiêu dù là lớn hay nhỏ đều xuất phát từ việc chăm học hỏi và có kiến thức về lĩnh vực đó. Vậy nên, ông gửi lời động viên tới các bạn trẻ hãy chăm học hỏi và chia sẻ về khái niệm “chữ T kiến thức”, bao gồm kiến thức rộng (nét ngang) và kiến thức chuyên sâu (nét dọc). Ông khuyến khích các bạn trẻ chủ động học hỏi đa dạng lĩnh vực để xây dựng góc nhìn bao quát và trau dồi kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể.
Khi trả lời câu hỏi của một thí sinh, PGS.TS. Quân nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục về việc cung cấp kiến thức, bởi “kiến thức chính là ‘vũ khí’ để tiếp cận mọi vấn đề”. Ông cho rằng kinh tế tuần hoàn cần được đưa vào chương trình giáo dục của Việt Nam để mọi người đều có cơ hội tiếp cận. Từ đó, cộng đồng sẽ tạo ra nhiều giải pháp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong đời sống thường ngày. PGS.TS. Quân cũng cho rằng kinh tế tuần hoàn có thể được áp dụng vào lĩnh vực trong cuộc sống. Ví dụ như trong thể thao, các sân vận động có thể sử dụng năng lượng tái tạo, tái chế rác thải và sử dụng các vật liệu bền vững.
Hãy tiếp tục theo dõi Tiếng nói Xanh để cập nhật những thông tin mới nhất và chung tay xây dựng một cộng đồng xanh, bền vững nhé!